Trong bối cảnh hoạt động quảng cáo đang phát triển mạnh mẽ trên nhiều phương tiện và nền tảng, việc hoàn thiện hành lang pháp lý để kiểm soát, xử lý vi phạm, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực này là yêu cầu cấp thiết. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13 đã được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 16/6/2025, đặt ra những quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn nhằm bảo đảm tính minh bạch, hiệu lực thực thi của pháp luật và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
Thực tế thời gian qua cho thấy hoạt động quảng cáo, nhất là trên không gian mạng, đã nảy sinh nhiều hành vi vi phạm như quảng cáo sai sự thật, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng; quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ chưa được cấp phép; quảng cáo lấn át nội dung chính, thậm chí xuyên tạc, xúc phạm thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc. Những vi phạm này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng mà còn làm mất đi sự minh bạch và công bằng trong thị trường quảng cáo.
Luat Quảng cáo sửa đổi đã tiếp cận một cách toàn diện hơn với hoạt động quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quảng cáo, trong đó sửa đổi bổ sung Điều 4 về nội dung quản lý Nhà nước về hoạt động quảng cáo, quy định cụ thể thanh tra, kiểm tra, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm. Luật đã xác lập trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc tiếp nhận và xử lý kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động quảng cáo. Việc này không chỉ đơn thuần là tiếp nhận đơn thư mà phải đảm bảo quy trình giải quyết khách quan, công tâm, đúng pháp luật.
Trong bối cảnh tình trạng quảng cáo sai sự thật, thiếu minh bạch, đặc biệt là việc người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm không được kiểm chứng, đang diễn ra phổ biến, người tiêu dùng thường xuyên đối mặt với nhiều rủi ro. Chính vì vậy, công tác giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo về nội dung quảng cáo đã trở thành một phần thiết yếu của quản lý Nhà nước. Theo Luật sư Lê Văn Lên, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, các nền tảng số cần phải có trách nhiệm kiểm duyệt nội dung quảng cáo một cách nghiêm túc. Pháp luật cũng đã quy định rõ về quyền của người tiêu dùng trong việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình.
Một điểm nhấn quan trọng trong Luật Quảng cáo sửa đổi là chế tài xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo được mở rộng và cụ thể hóa hơn. Luật khẳng định, người bị ảnh hưởng bởi nội dung quảng cáo vi phạm có quyền gửi đơn tố cáo, yêu cầu xử lý, yêu cầu bồi thường. Cơ quan chức năng có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo, người phản ánh, không để xảy ra tình trạng trù dập hoặc chậm trễ kéo dài trong xử lý đơn thư. Việc luật hóa các chế định về giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm không chỉ dừng lại ở xử lý sai phạm mà hướng đến xây dựng một thị trường quảng cáo minh bạch, công bằng và văn minh. Đây không chỉ là công cụ pháp lý mà còn là nền tảng để xây dựng văn hóa quảng cáo lành mạnh, góp phần bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội bền vững trong thời đại số hóa mạnh mẽ như hiện nay.