Dịch tả lợn châu Phi, một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus African Swine Fever Virus (ASFV) gây ra, vẫn đang âm thầm lan rộng tại nhiều địa phương trên cả nước. Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi và Thúy (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), từ đầu năm đến nay, căn bệnh này đã tiếp tục lây lan tại nhiều tỉnh, thành như Cao Bằng, Lạng Sơn, Nghệ An, Hà Tĩnh…
Tính đến đầu tháng 6, đã có 386 ổ dịch được ghi nhận tại 15 tỉnh, buộc phải tiêu hủy hơn 22.000 con lợn. Mặc dù số ổ dịch và lượng lợn tiêu hủy đã giảm so với cùng kỳ năm trước, nguy cơ bùng phát trên diện rộng vẫn hiện hữu, đặc biệt khi ý thức kiểm soát an toàn thực phẩm còn lỏng lẻo.

Đáng chú ý, hàng loạt vụ buôn bán lợn chết, lợn bệnh đã bị phát hiện tại Hà Nội. Chỉ trong tháng 6 và đầu tháng 7, Công an Hà Nội đã khởi tố 3 vụ án, phát hiện gần 2 tấn thịt lợn nhiễm bệnh bị tuồn ra chợ, quán ăn. Tại chợ Phùng Khoang, lực lượng chức năng thu giữ hàng trăm kg thịt đã biến màu, bốc mùi hôi thối, nghi nhiễm dịch tả lợn châu Phi.

Thủ đoạn của các đối tượng là mua lợn chết với giá rẻ, mổ xẻ ngay tại nhà rồi trà trộn bán lại cho các quán ăn, bữa cơm công nhân, nhà hàng giá rẻ để kiếm lời bất chấp nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng. Dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do virus African Swine Fever Virus (ASFV) gây ra. Bệnh này lây lan rất nhanh trong đàn lợn, bất kể lợn nuôi hay lợn rừng, với tỷ lệ chết có thể lên tới 100%.

Virus lây truyền chủ yếu qua tiếp xúc với máu, dịch tiết của lợn bệnh. Tuy nhiên, điều quan trọng là dịch tả lợn châu Phi chỉ lây nhiễm ở loài lợn, hoàn toàn không có khả năng lây sang người. Nếu không may ăn phải thịt lợn nhiễm virus tả lợn châu Phi nhưng đã được nấu chín kỹ, vẫn an toàn.
Tuy nhiên, thịt lợn chết hoặc thịt bệnh thường là môi trường thuận lợi cho nhiều loại vi sinh vật phát triển mạnh, gây ra các bệnh như rối loạn tiêu hóa, nôn mửa, sốt cao. Những nhóm đối tượng dễ bị biến chứng nặng nhất là trẻ nhỏ, người già và phụ nữ mang thai.
Không chỉ vi khuẩn, một số loại ký sinh trùng cũng có thể xâm nhập vào cơ thể nếu thịt không được nấu chín hoàn toàn. Để phòng tránh nguy cơ nhiễm bệnh, người dân nên lưu ý khi chọn mua và chế biến thịt lợn: Chỉ nên mua thịt lợn tại các địa chỉ uy tín, có kiểm dịch rõ ràng; không mua thịt có màu tái nhợt, bầm tím, bị chảy nước, có mùi hôi tanh; thịt lợn luôn phải được nấu chín kỹ, không nên ăn tái hay sử dụng các món sống.

Như vậy, để bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình, việc lựa chọn và chế biến thịt lợn cần được chú trọng. Hãy luôn ưu tiên chọn mua thịt lợn tại các địa chỉ uy tín và thực hiện nấu chín kỹ thịt lợn trước khi ăn.
